THỜI TRANG

CHIA SẺ

KHÁM PHÁ

SỨC KHỎE

GÓC TRÁI TIM

XÃ HỘI

NHỊP SỐNG TRẺ

BÀI VIẾT MỚI

12 CHÒM SAO

TÔI NHỚ

TÔI YÊU

TÔI TÂM SỰ

TÔI HẠNH PHÚC

BÀI MỚI NHẤT

TIN ẢNH

TIN SHOWBIZ

LÀM ĐẸP

Featured Posts

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Lên Suối Giàng- Ngắm cây chè Cổ Thụ (Văn Chấn-Yên Bái)

Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) nằm trên độ cao 1.400m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành mát mẻ với thảm thực vật phong phú. Đặc biệt nhất là những cây chè cổ thụ vốn là đặc trưng nơi đây. 
Chỉ 12km vòng quanh các vách đá kỳ thú, các trảng rừng nguyên sinh, từ trung tâm huyện Văn Chấn, ô tô có thể đến trung tâm xã Suối Giàng. Cung đường quanh co với độ dốc lớn nhưng bù lại khí hậu mát mẻ và cảnh quan thật hùng vĩ.


Cung đường lên Suối Giàng từ Văn Chấn khá quanh co với độ dốc lớn.
Cung đường lên Suối Giàng từ Văn Chấn khá quanh co với độ dốc lớn

Rừng chè cổ thụ Suối Giàng với những thân to hàng trăm năm tuổi, trải rộng hàng trăm hecta. Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. 

    Những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi là đặc trưng nơi đây

    Không gian hùng vĩ với khí hậu mát mẻ quanh năm
    Không gian hùng vĩ với khí hậu mát mẻ quanh năm

  • Với thân chè 300 năm tuổiVới thân chè 300 năm tuổi

Ngày nay những vùng chè cổ thụ được bảo tồn thành những khu vực riêng. Những đồi chè nhỏ hơn được trồng phủ kín các vùng đồi sẽ cung cấp lượng lớn chè tiêu thụ dưới vùng xuôi. 

Đồi chè xanh ngút ngàn
Đồi chè xanh ngút ngàn

Công nhân đang thu hoạch chè bằng máy
Công nhân đang thu hoạch chè 

Du khách tới đây vẫn tranh thủ hái những lá chè, quả chè trực tiếp từ thân chè cổ thụ về làm quà cho bạn bè và người thân.

Những lá chè tươi từ rừng cổ thụ về làm quà
Những lá chè tươi từ rừng cổ thụ về làm quà

Cầu Ngói Thanh Toàn (Huế)

Tạm xa thành phố Huế đang tưng bừng với nhiều chương trình nghệ thuật, du khách có thể đến với lễ hội "Chợ quê ngày hội" (khai mạc ngày 13/4) ở cầu ngói Thanh Toàn (làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) để dạo một vòng phiên chợ quê mộc mạc và ngắm nghía vẻ đẹp của vùng nông thôn ngoại ô thanh bình, yên ả.


Quang cảnh chợ quê ngày hội bên dòng sông Như Ý.
Ngay trên đường đi, du khách đã có thể cảm nhận được cảnh nông thôn dân dã, gần gũi. Qua khỏi địa phận Huế, đi vào con đường làng đẹp như tranh vẽ, hai bên đường là những ruộng lúa, rặng tre nối tiếp nhau, với con đò nhỏ trên dòng kênh tĩnh lặng, đàn vịt bơi chậm rãi dưới ao, dừng xe đón ngọn gió quê mát rượi hòa lẫn mùi thơm dịu của bông lúa trổ đòng, du khách như tan cả những mệt mỏi vì không khí ồn ào, náo nhiệt của phố phường đông đúc.

Con đường làng thơm nồng hương lúa trổ đòng.

Chiếc đò nhỏ.

Đàn vịt lội trong ao.
Đến chợ, khách tham quan sẽ được thưởng thức những hoạt động mua bán đậm nét truyền thống của vùng nông thôn: người dân thôn quê đem đến đây mớ tôm, mớ tép, buồng cau, nải chuối, mớ rau từ vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, mới ấp, con heo mới xuất chuồng... Kia là hàng rau, hàng quả của các mệ, các o, phía bên này những con tôm, con cá quẫy đuôi, bật nhảy tanh tách. Xa xa, mùi thơm từ các món ăn dân dã gắn liền với nhà nông khiến du khách chẳng thể đặng đừng.


Một góc chợ.

Gánh hàng rong.

Những vật dụng thôn quê: đôi quang gánh, thúng, mủng, rế,...

Nông sản địa phương.
Cứ thế, phiên chợ quê níu chân du khách ghé mua sản vật địa phương như nón lá Thủy Thanh, chuối ba lùn Thủy Vân, trái cây, nếp thơm,... ở các gian trưng bày; đến thưởng thức những món ăn dân giã như cơm hến, bún trộn, bánh canh cá lóc Thủy Dương, khoai luộc Thủy Thanh; làm quà cho trẻ nhỏ cái bánh ít, bánh ú, bánh gai, bánh nậm, bánh lọc, hay giải tỏa cơn nóng bức của mùa hè bằng bát chè bột lọc, chè khoai tía, chè bắp, chè bông cau, chè đậu, cốc rượu nếp, bát chè xanh,...

Tò he...

... thu hút du khách.

Khách nghỉ chân thưởng thức chén đậu hũ...

... uống bát chè xanh.

... xem gói bánh chưng, bánh tét.
Điểm thu hút người dự hội nhất dĩ nhiên là chiếc cầu mái ngói Thanh Toàn. Ghé qua cầu, dừng chân nghỉ trong làn gió mát, ngắm nhìn kiến trúc cổ độc đáo, lắng nghe những âm thanh lao xao của phiên chợ, tất cả tạo cho du khách một cảm xúc khó tả.

Cầu ngói Thanh Toàn.
Sau khi dạo chợ và nghỉ ngơi thật thoải mái, khách tham quan có thể ghé gian trưng bày nông cụ với nhiều hiện vật tái hiện không gian làng quê đặc trưng và những hình ảnh ước lệ nếp sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Tại đây, du khách có thể thử một lần làm nông dân đạp nước, tát nước trên đồng, xay lúa, giã gạo, sàng, sẩy, câu cá, cất vó,... để cảm thông với những nhọc nhằn vất vả của nhà nông.

Du khách "nhí" nước ngoài thử làm nông dân Việt Nam.

Hội bài chòi.

Một gian hàng mời du khách giải thế trận cờ tướng.

Ném bi.
Ngay bên cạnh khu trưng bày nông ngư cụ là Hội thi làm nón bài thơ. Trước sự quan sát của đông đảo người xem, các o, các chị tham gia cuộc thi vẻ như lúng túng, ngượng ngùng, nhưng khi hiệu lệnh thi bắt đầu, thì các đôi tay đã thoăn thoắt, nhịp nhàng những thao tác xây nón, chằm nón gọn ghẽ, đều săm sắp. Với nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, được mục sở thị những công đoạn làm nên chiếc nón lá mỏng manh mà hữu dụng thật sự khiến họ thích thú.

Hội thi làm nón bài thơ.

Để làm được 1 chiếc nón bài thơ phải mất rất nhiều công đoạn. Bắt 16 cái vành vào khung...

Kết lá.

Xây nón.

Đặt hình câu thơ vào giữa chiếc nón.

Chiếc nón đã chằm xong đang thực hiện những công đoạn cuối cùng, đột đầu...

nức vành,...

... và bỏ xoài.
Và một phên chợ quê ngày hội cuốn hút, hấp dẫn bởi những chương tình gắn liền với các hoạt động đời thường như thế, khiến du khách vừa rời đi đã lại hẹn hò:
"Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui"
Nguồn: Hue.vnn

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Ẩm thực An Giang

Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng.


1. Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

2. Mắm ruột

An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.
Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt “sừng trâu”. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.

3. Xôi phồng chợ Mới

Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.
Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng. Xôi phồng Kim Hương của bà Hồng Thu ở thị trấn Chợ Mới được nhiều người biết đến nhất.

4. Tung lò mò

“Tung lò mò″ chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.
Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.
“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

5. Bánh phồng Phú Mỹ

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…
Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

6. Gà hấp lá trúc

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút. Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…



7. Đi Bảy Núi thưởng thức bọ rầy!

Với người dân vùng Bảy Núi – An Giang, bọ rầy được xem là món ăn “độc chiêu” và trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều quán nhậu. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Loại côn trùng này ngày nay được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn.
Khi mới đem bọ rầy về, công đoạn đầu tiên là phải ngắt bỏ cánh cứng. Sau đó, móc bỏ phần đuôi, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Bước tiếp theo để bọ rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào.
Muốn cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, cải xà lách chấm với tương ớt, muối ớt chanh, ngon khó tả.

8. Bánh canh bò viên Bảy Núi

Bánh canh bò viên là một trong những món ăn đặc sản của vùng sơn cước có nhiều cái ngon kết hợp lại. Đầu tiên phải kể đến loại gạo thơm đặc biệt Neang Nhen, đặc sản vùng Bảy Núi được xay ra bột làm bánh canh theo công thức thủ công gia truyền.
Kế đến là nồi nước súp hỗn hợp được ninh nhừ từ xương heo, xương gà, tôm khô, cá… những tinh túy trong nồi nước súp cho ta hương vị đậm đà, bổ dưỡng. Nhưng cái ngon nhất là bò viên. Bảy núi là xứ sở bò vỗ béo, món ngon từ thịt bò được chế biến thành bò viên đã khẳng định vị trí món ăn ngon ngọt mang phong cách địa phương vùng Bảy Núi này.
Bò viên được cắt làm đôi có màu đỏ hồng, nằm bên cạnh là những đoạn hành gọi mời hấp dẫn. Cho miếng bò viên nhẫn nha nhai, thịt vừa giòn dai, vừa thơm ngọt đậm đà.

9. Bò leo núi

Nhiều người nghĩ bò leo núi là bò được nuôi ở vùng núi, thịt rắn chắc. Thực tế vẫn là thịt bò bán tại chợ nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, món ăn trở nên khác lạ. Đĩa thịt bò được dọn lên nhìn rất đỗi bình thường. Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy và ướp gia vị thấm thía. Vỉ nướng được làm bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ cái vỉ này.
Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, ăn rất vừa miệng. Thịt nướng xong gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát… chấm với chao hoặc mắm pro-hốc.
Một phần ăn đủ cho 3-4 người, một món ăn đặc sắc, giá hợp lý nên du khách không ai chần chừ chọn món này vào thực đơn trưa khi đến vùng biên giới Tân Châu. Rõ ràng món này có sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa người Kinh và người Khmer.

10. Cơm nị – cà púa

Món ăn là sự kết hợp lạ nhưng hài hòa của cơm nị và cà púa, tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực nơi đây. Cơm nị được nấu rất khéo từ gạo ngon, thơm mùi nụ Đinh Hương, béo thơm vị hạt điều, cà ri và thấm gia vị vừa ăn.
Cà púa lại được người Chăm chế biến từ thịt bò. Để món cà púa ngon, người ta khử mùi thịt bò bằng cách đổ rượu và gừng vào. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng.
Thưởng thức cơm nị – cà púa, cảm nhận được vị ngọt béo của sữa dừa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt, mang lại cảm giác thơm ngon, lạ miệng. Cơm nị và cà púa kết hợp, bổ sung cho nhau tạo hương vị độc đáo trong cách thưởng thức ẩm thực cầu kỳ của ẩm thực Chăm Châu Giang.

11. Bún kèn Châu Đốc

Cũng là bún cá xuất xứ từ Châu Đốc, nhưng bún kèn lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bún kèn có nguồn gốc từ Nam Vang, được những người Việt vùng biên giới mang công thức về chế biến lại cho hợp với khẩu vị người Việt. Món ăn này mới thật sự là đặc sản của Châu Đốc, nhưng ít người biết đến do không phổ biến, chỉ có ở vùng thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Nước lèo bún kèn được chế biến từ nước cốt dừa và nước luộc cá. Hương vị bún kèn có sự hòa quyện của đinh hương, quế hương, ngải bún và sả. Để món ăn thêm đậm đà mà không ngán, người ta dùng tôm khô rang để nấu nước dùng. Bún kèn ăn kèm bắp chuối, giá hoặc dưa leo và húng cây.

12. Cá leo nướng muối ớt

Cá leo là một loài da trơn, mình dài giống như cá trèn nhưng to hơn nhiều, trung bình từ 1-2 kg. Một trong những món ngon độc đáo mà các nhà hàng ở An Giang thường chế biến phục vụ cho du khách hiện nay là cá leo nướng muối ớt.
Nước chấm thích hợp nhất với món cá nướng là nước mắm chua cay hoặc muối ớt vắt chanh. Món này có thể ăn chung với bún hoặc cuốn bánh tráng kèm thêm các loại rau, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế… Có thể coi đây là món ngon đặc sản, thịt cá lại lành, bổ dưỡng và ăn ít ngán nên mọi người đều ưa thích.

13. Chè thốt nốt

Cây thốt nốt được trồng nhiều ở miền Tây nước ta. Chè thốt nốt sóng sánh trong nước cốt dừa cũng là một đặc sản của miền Tây. Người Châu Đốc, An Giang thường mời khách món nước thốt nốt mát lạnh, cũng từ thứ “cơm thốt nốt” đặc biệt này.
Chè thốt nốt tuyệt vời nhất khi được thưởng thức lạnh. Cái béo ngậy của cốt dừa quyện chặt lấy cái dẻo, mềm của cùi thốt nốt, ăn rất thú vị. Đặc biệt đường thốt nốt được nấu cùng món chè dân dã miền Tây này càng làm món ăn có hương vị thơm mát tự nhiên.

14. Xôi Xiêm

Xôi xiêm được chế biến từ những nguyên liệu: gạo nếp Thái, bột mỳ, trứng vịt, đường thốt nốt (đường đỏ). Khi ăn xôi xiêm, người ta xới xôi ra đĩa, rưới nước xốt và nước cốt dừa lên trên. Chế biến xôi xiêm không phức tạp nhưng lại cần có kinh nghiệm và sự khéo léo. Xôi hấp phải chín tới, dẻo, không nhão mà cũng không cứng, nước xốt có vị ngọt, ngậy mà không béo, thơm mát.
Xôi xiêm được bán ở chợ Châu Đốc vào 7 rưỡi sáng hàng ngày và đã trở thành một món quà sáng quen thuộc của người dân nơi đây.

Ẩm Thực Đảo Phú Quý


Cua mặt trăng 

Đặc điểm của loài cua này là màu sắc rất độc đáo.Trên lưng cua có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi. Vì những hình thù trên lưng cua tròn, nên người dân trên đảo ví nó như hình mặt trăng và đặt tên cho nó cái tên rất lạ là cua Mặt trăng.




Sở dĩ cua Mặt trăng quý hiếm vì thịt của nó rất săn chắc, nhiều đạm và thơm, ngon đến kỳ lạ. Khách đến đảo Phú Quý, nếu từng một lần được “xơi” món hải sản này khi nó vừa được hấp hoặc trên lò than nướng đem ra, sẽ không thể nào quên. 


Cua Mặt trăng hấp, hoặc nướng chấm muối tiêu chanh thì không còn gì ngon bằng. Bây giờ không phải quán nhậu nào trên đảo cũng có cua Mặt trăng. Khách đến đảo mà biết hỏi cua mặt trăng tức là đã rất sành điệu về ẩm thực của hòn đảo này. 


Giờ đây, cua Mặt trăng là “mốt” ẩm thực mới trên hòn đảo Phú Quý của Bình Thuận. Nếu ai từng một lần đến hòn đảo giàu sang của vùng biển Đông Nam bộ này (cách bờ biển Phan Thiết chừng 58 hải lý) hãy nhớ món hải sản cua Mặt trăng.
Da cá mú bong


 Da cá mú bông có gì mà dân gian phong đến hai cái nhất! Nói vui: Da cá mú bông đã được giải khôi nguyên về món ăn! Mời bạn về quê hương cá mú bông mà thưởng thức món ăn đặc biệt này. Mú bông sống ở vùng nước lợ, nơi giao tiếp hai dòng nước mặn ngọt. Con tôm cái ốc ở vùng này ngon nổi tiếng. Thế mà mú bông chỉ xơi toàn mồi sống; tôm rằn, tôm bạc, hay cua mềm, là tinh hoa của những thứ mồi hảo hạng, mú bông ngon ngọt, thơm tho hẳn là điều không mấy ngạc nhiên. 

Món ăn sang trọng và khoái khẩu của người phố thị là mú hấp, thường gặp ở đám cưới. Cá hấp thì tất cả hương vị được cô đặc lại trong thịt, trong lòng cá. Cái vị đậm đà, mùi thơm lừng lựng. Cá mú hấp với các vị thuốc bắc gồm: đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún song thằng, gia thêm ngũ vị hương. Món ăn rất hấp dẫn mà rất Tàu. Họ còn bảo rằng món này bổ tinh lực song ngon nhất vẫn là bộ da. 
Những khi được con mú lớn, ngư dân lột lớp da phơi khô, để dành khi giỗ chạp hay có khách quý mới đem dùng. Da cá rất dày có khi đến 1cm. Lột da xong dùng những thẻ tre cật, hai đầu vót nhọn căng rồi đem phơi. Được vài ba nắng, thật khô mới chọn nơi khô ráo để treo. Thỉnh thoảng phơi lại khỏi mốc khi cần bà con cắt một phần, đem thái nhỏ từng miếng bằng mút đũa đem rang cát, ngâm nước một lát, rửa sạch để ráo. Da cá nở phồng như “hủ tiếu”. Lạc rang vàng, rau răm thái nhỏ. Tất cả trộn đều gia vị thêm ớt, tỏi, nước mắm ngon. Mới trông đĩa “bì cá” với sắc vàng bông lốm đốm những mảnh ớt đỏ là đẹp mắt rồi. Động đũa vào bạn mới thấy hết cái lạ lẫm. Miếng da dai dai, thơm mà béo, nhai vài lượt là thấy vị ngọt. Đúng là ngọt đến “chạy tọt xuống bụng”. Bạn không giữ được cái cảm giác “ngậm nghe” đâu. Muốn tận hưởng cái ngon, bạn phải chờ đến miếng thứ hai, thứ ba. Cái hương vị đầu tiên giống như ăn lòng cá tràu (cá quả, cá lóc). Nó vừa dẻo thơm thơm mùi cá, rồi ngòn ngọt, béo béo. Nhấm một tí rượu, tưởng chừng hương vị trôi đi nhưng không, cái dư vị còn đọng lại ở hầu. Thảo nào người sành ăn như cụ Tản Đà đã thẫn thờ đến không muốn ăn khi lỡ tay làm rớt cái bao tử cá tràu.
Cá mú đỏ hấp gừng 

Món ăn hải sản dường như là cả một thế giới riêng thu hút người sành ăn. Trong đó Cá Mú đỏ được xem là đặc sản của vùng biển nếu tính về độ thơm ngon, thịt ngọt chắc và hương vị tự nhiên đậm đà khó quên của loài cá này, trong đó đặc biệt hơn cả là món Cá Mú đỏ hấp gừng. Cá Mú được hấp với một ít gừng, hành hoa, nước tương và phải canh lửa sao cho vừa chín tới thì mới còn đủ mùi vị của cá.


Cá mú chiên sốt me cũng rất hấp dẫn
Gỏi ốc 

Ốc giác là loại hải sản khá quen thuộc của người dân vùng biển miền Trung. Một con lớn trung bình từ 1,5 đến 2 kg. Từ ốc giác người dân ở đây chế biến ra nhiều món ăn, đơn giản nhất là món ốc giác luộc. Thịt ốc được cạo rửa sạch cho hết chất nhờn, mang luộc chín rồi xắt mỏng chấm nước mắm gừng, tỏi ớt pha sắn rất ngon.
Hấp dẫn hơn là món gỏi ốc giác. Luộc chín ốc rồi cắt sợi, cùng với thịt ba chỉ hoặc thịt lợn nọng (phần cổ) cũng luộc chín, cắt sợi. Đu đủ sống bào mỏng, rau răm cắt nhỏ, hành tây, đậu phộng rang, hành phi… nước mắm, tỏi, ớt, chua, ngọt. Trộn đu đủ, rau răm, hành tây và ốc, thịt luộc, rưới nước giấm đường pha lẫn với nhau rắc đậu phộng và hành phi lên. Ăn kèm với bánh tráng nước, có nhà ăn với bánh phồng tôm. 


Đến với vùng biển đảo Phú Quý, du khách không những được tham quan, nghỉ dưỡng, câu cá, tắm biển… mà còn có dịp hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây vừa thân thiện, hiền hòa lại mến khách, đặc biệt là được thưởng thức những món hải sản tươi ngon và trở thành những món ăn hấp dẫn đủ làm cho du khách nhớ mãi dù chỉ một lần đến.
Rau câu chân vịt (rau đá)

Loại rau này mọc bám sát xuống mặt rạng đá, san hô cùng các loài rong rêu khác nên các loài cá cũng khó tìm để ăn. Nó phát tán cũng không được mạnh và rộng lắm nên thu hoạch của người đi lấy cũng không cao.  Rau sau khi đem từ biển về sẽ được phơi khô rồi để cho dẻo, đập cho dập nát các hạt cát, đá, sạn, đem ngâm nước 3 đến 4 ngày rồi chà rửa sạch sẽ, ngâm lại khoảng 1 ngày nữa rồi vớt ra phơi khô.


Rau câu là món ăn rất mát lại vừa bổ, nhất là cho người cao tuổi, khi nhu động ruột kém dần chức năng hoạt động gây táo bón. Những ngày tết, ăn uống nhiều dầu mỡ, dinh dưỡng thiếu chất xơ, ăn rau câu rất có lợi. Cách chế biến rất đơn giản, cho rau câu, đổ vừa nước vào soong nấu sôi cho tan ra, thả vào đó một ít lá me già hay lá non đều được, nấu sôi, gạn bỏ lá me, cho thêm đường vào, tắt lửa, để nguội, ta có một món ăn ngon gọi là xu xoa. Ngoài ra còn dùng làm mứt, kem…