Xã A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Về dân số có 584 hộ với 2.585 nhân khẩu. Địa bàn xã được chia làm 12 thôn với 26 cụm dân cư, gồm 03 dân tộc Tà Ôi, Ka tu và Kinh cùng sinh sống.
Trong đó, dân tộc Tà Ôi có số lượng lớn nhất, chiếm 91%. Xã có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, thác, suối nước nóng và đặc biệt là nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc của dân tộc thiểu số Tà Ôi.
Xác định du lịch là thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Công tác này được quan tâm chú trọng, đặc biệt là từ khi được Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng A Ka, A Chi (năm 2012), việc giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương có điều kiện để phát huy hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có khoảng 4 đến 5 đoàn khách du lịch đến A Roàng với số lượng mỗi đoàn trên 20 người.
Ông Pơ Loong Phương, chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết: Trong những năm gần đây, nhiều làng, thôn của xã đã chủ động xây dựng các quy ước văn hóa trong đó tập trung thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đối với việc cưới, nhiều gia đình, làng bản đã giảm bớt, đổi mới một số thủ tục rườm rà không cần thiết như giảm thời gian tổ chức lễ cưới, không phô trương, loại bỏ tục thách cưới. Đối với việc tang, đã hạn chế được tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình. Đối với lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì, một số làng, thôn văn hóa có điều kiện phát huy các loại hình văn hóa dân gian, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống. Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ tích, nhiều câu chuyện được kể bằng nhiều hình thức phong phú như lễ hội Aza; mừng các họ tộc kết nghĩa, gia đình êm ấm, mừng các ngày tết, lễ lớn của đất nước; ka lợi, pa booch; ru nươi; cha chấp đối đáp trữ tình. Chiêng, trống, sáo, khèn và các nhạc cụ khác được phát huy hiệu quả trong các lễ hội và phục vụ khách du lịch. Trang phục truyền thống, ngôn ngữ, kiến trúc nhà rông, nhà sàn truyền thống của dân tộc Tà Ôi là nét văn hóa đặc trưng đang được quan tâm lưu giữ, phục hồi. Hiện nay, xã có 08 nhà rông, 04 nhà sàn được bảo tồn, gìn giữ và phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát, có từ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân thì hiện nay còn phục vụ khách du lịch. Các mặt hàng thổ cẩm được các nghệ nhân sáng tạo và dệt nên với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như: Khăn, túi, khố tấm... đi kèm hạt cườm đã trở thành sản phẩm ưa chuộng của du khách khi đến A Roàng. Ngoài ra, còn được tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm về văn hóa tại huyện, tại tỉnh và được các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam lựa chọn để thiết kế trang phục dân tộc. Văn hóa ẩm thực đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ hội, đặc biệt phục vụ khách du lịch. Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng như: cháo ngô trộn gạo nấu đặc, a rop a koat, cơm lam; cơm thổi nếp đỏ, gạo trừi za dư...; thịt nướng ống tre lồ ô, thịt đùm lá chuối; cá nướng ống, các loại lạp, kleng; muối ớt, tiêu rừng.
Trao đổi với chúng tôi về những định hướng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương để phát triển du lịch, ông Pơ Loong Phương cho biết thêm: Trước hết xã tập trung cho công tác tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, qua trường học, các buổi sinh hoạt tại trung tâm học tập cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương; tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống văn minh, xây dựng môi trường lành mạnh phục vụ tốt hơn cho việc bảo tồn và phát triển du lịch. Tiếp tục phát động nhân dân tích cực thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về việc cưới, việc tang, lễ hội. Chỉ đạo các làng, thôn đưa nội dung bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vào hương ước, quy ước của làng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, xã đã gắn hoạt động bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Chủ trương này phải bắt đầu với những "già làng, trưởng bản", những người có ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng. Từ đó huy động sự tham gia của toàn thể người dân địa phương vào hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian vào các dịp lễ kỷ niệm quê hương đất nước và phục vụ khách du lịch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét