Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968.
Hơn 1.000 năm trước đây, năm 968, sau khi bình định 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô. Sở dĩ Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư để định đô bởi nơi đây có vị trí vô cùng hiểm trở với hệ thống núi đá trùng điệp và hiểm trở làm tường thành, sông bao làm hào để phòng thủ quân sự. Vì thế, Hoa Lư còn được gọi là “kinh đô đá”.
Nằm cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là quần thể di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt quan trọng. Đây cũng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Hà Nội. Sau này, tuy các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn không còn đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ...
Tuy được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt chỉ một thời gian không dài - trong 42 năm, nhưng tại Hoa Lư đã diễn ra rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của đất nước. Đây từng là thành trì quân sự vững chắc của ba triều đại liên tiếp trong lịch sử: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ đời vua Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông.
Theo sử sách và tài liệu thì kinh đô Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ, được bao bọc bởi những ngọn núi đá hình vòng cung, cảnh quan kỳ vĩ cùng những hồ, đầm... tạo cho cảnh quan nơi đây vừa có nét duyên dáng, mềm mại, lại vừa có những nét kỳ bí.
Trải qua thời gian hơn 10 thế kỷ, cố đô Hoa Lư hầu như đã bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay, quần thể di tích Hoa Lư có gần 30 di tích, trong đó, 2 di tích tiêu biểu là đền vua Ðinh và đền vua Lê. Xung quanh khu vực này còn có một số đình, chùa cổ với hàng nghìn năm tuổi cũng là một phần kiến trúc trong khu cung điện chính, đều có sức hấp dẫn riêng.
Để tri ân các vị anh hùng dân tộc, triều hậu Lê đã trùng tu, xây dựng lại đền vua Đinh - thờ Đinh Tiên Hoàng. Đền được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, cách chân núi Mã Yên khoảng vài trăm mét. Trải qua hơn bốn thế kỷ, ngôi đền vẫn giữ được vẻ uy nghi, trầm mặc với nhưng công trình: ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội. Đền có ba toà: tòa ngoài là bái đường, tòa giữa gọi là Thiên Hương thờ tứ trụ triều đình của nhà Đinh: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Toà trong cùng thờ Đinh Tiên Hoàng ngự ở chính điện, hai bên thờ 3 hoàng tử Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Các lối đi, trụ cổng, tường của ngôi đền đều phủ rêu phong cùng thời gian. Xung quanh là những khu vườn cây trái xanh tươi. Trước cửa đền chính có đặt Long Sàng làm bằng đá nguyên khối, với đôi nghê đá hai bên rất sống động. Các hình trang trí, hoa lá, hình các con vật... được chạm khắc xung quanh long sàng rất tinh xảo.
Cách đền vua Ðinh không xa là đền vua Lê, thờ Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn). Ông là một tướng lĩnh giỏi dưới triều Đinh, người có công dẹp loạn, thống nhất đất nước nên đã được vua Đinh phong quan Thập Đạo Tướng Quân (chức võ quan cao cấp nhất thời Đinh). Lê Hoàn được tôn lên làm vua sau khi vua Đinh băng hà. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê. Đền Lê có quy mô nhỏ và đơn sơ hơn. Trong cung của đền có ba pho tượng: Hoàng đế Lê Đại Hành ở gian giữa ngồi trên ngai, hoàng hậu Dương Vân Nga ở gian bên trái và vua Lê Long Đĩnh ở gian bên phải. Trong đền còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây, người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng của khu đền.
Ngay trước đền vua Đinh, là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Sau khi leo lên 265 bậc lên trên đỉnh núi là lăng mộ vua Đinh. Lăng Đinh Tiên Hoàng được xây bằng đá xám, nằm trên đỉnh núi, xung quanh cây cối tươi mát. Sau khi thắp hương tưởng niệm, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt có thể ngắm quần thể di tích Hoa Lư như một bức tranh thủy mặc.
Về với Hoa Lư, du khách sẽ được đắm mình trong những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất thiêng này, chiêm ngưỡng những di tích còn lại của kinh đô Hoa Lư xưa; tìm hiểu thêm về nền kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa xã hội của người Việt thời đó. Đây còn là dịp để mọi người tri ân các bậc tiền nhân, được nghe kể những câu chuyện thú vị về các vị vua nông dân giản dị - những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước.
Cố đô Hoa Lư không chỉ là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng mà còn là một trong 3 khu vực hợp thành quần thể danh thắng Tràng An, địa danh vừa được UNESCO chính thức ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới ngày 23/6/2014.
Một số hình ảnh quần thể di tích cố đô Hoa Lư:
Đền được xây dựng vào thế kỷ 17 theo kiểu "Nội công, ngoại quốc". Trải qua hơn 400 năm, đền vẫn giữ được vẻ uy nghi, trầm mặc.
Trong khuôn viên Đền vua Đinh
Long sàng của Vua Đinh làm bằng đá nguyên khối, xung quanh được chạm khắc các hình trang trí, hoa lá, con vật... rất tinh xảo. Đôi nghê đá 2 bên Long sàng rất sống động. Căn cứ các họa tiết chạm khắc, Long sàng có niên đại cùng với thời điểm xây đền- thế kỷ 17. Nơi đây chỉ đặt đồ lễ. Long sàng là bảo vật quốc gia.
Núi Mã Yên cách đền vua Đinh không xa. Phần võng xuống là nơi an táng vua Đinh Tiên Hoàng. Triều Đinh kết thúc sau 12 năm trị vì với 2 đời vua.
Cách đền vua Đinh không xa là đền vua Lê, thờ Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn)
Đền vua Lê được xây dựng trên nền cung điện chính ngày xưa. Nét độc đáo ở ngôi đền này là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Triều tiền Lê có 29 năm trị vì và đóng đô ở Hoa Lư.
Đường chính đạo đền vua Lê Đại Hành
Trong chùa Nhất Trụ có thạch kinh cổ nhất Việt Nam (nằm ở phái trái tam quan). Chùa là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỷ thứ 10 như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Đây là 1 trong gần 30 di tích còn lại trong quần thể cố đô Hoa Lư.
Du khách có thể trải nghiệm làm "mục đồng", khi cưỡi trâu, đội nón, tay cầm roi tre thong dong đi dạo trên cánh đồng.
Đến năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Hoa Lư trở thành cố đô từ đó. Nguồn VOV.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét